20/11/2023
Nước Đức có Lễ hội ''Bia'' tháng Mười Oktoberfest. Còn nước Pháp có Ngày hội Beaujolais Nouveau, một loại rượu ''vang tươi'' đặc thù của vùng Beaujolais, chỉ được bán vào tháng 11 hàng năm. Thời điểm phát hành chính xác là vào thứ Năm tuần lễ thứ ba của tháng 11. Năm nay, ngày Beaujolais Nouveau rơi vào hôm 16/11 và có rất nhiều hàng quán tại Pháp cũng như trên thế giới cùng tham gia sự kiện này.
Trong mắt giới sành điệu, có thể nói ngay là việc so sánh Lễ hội tháng Mười Oktoberfest với ngày hội Beaujolais Nouveau của Pháp là hơi khiên cưỡng, cho dù hơn 10 triệu chai rượu được xuất khẩu mỗi năm nhân dịp cuối tháng 11, đứng đầu vẫn là thị trường Nhật Bản. So sánh khiên cưỡng vì Oktoberfest là một truyền thống lâu đời của Đức, có từ hơn hai thế kỷ qua, trong khi Beaujolais Nouveau lại là một sáng kiến tiếp thị hầu tạo thêm cơ hội ''kinh doanh'', giúp phổ biến một dòng sản phẩm trên thị trường. Theo trang thông tin Sortir à Paris, gọi là truyền thống, nhưng trên thực tế, ngày hội Beaujolais Nouveau chỉ chính thức được ấn định vào tháng 11 năm 1985.
Trong hai thập niên liền, tính từ đầu những năm 1960, vùng Beaujolais (một phần lãnh thổ của vùng Bourgogne) gặp nhiều khó khăn trong việc phân phối rượu vang so với các vùng sản xuất khác như Bordeaux, Alsace hay Champagne… Theo nghị định ngày 11/03/1951 của chính phủ Pháp, sau mỗi mùa hái nho, các nhà sản xuất chỉ được quyền bán rượu vang (lấy từ vụ thu hoạch cùng năm) kể từ ngày 15/12 trở đi. Một quyết định khá hợp lý, vì nước nho sau khi được ép xong cần một khoản thời gian tối thiểu để lên men, dần biến thành vang sau quá trình ủ rượu.
Nhật Bản nhập khẩu gần 7 triệu chai
Thế nhưng, theo trang thông tin Sortir à Paris, các hợp tác xã tại vùng Beaujolais muốn được phép bán sản phẩm của họ sớm hơn để kiếm thêm lợi nhuận. Liên đoàn các nhà trồng nho ở Beaujolais (UVB) đã vận động dư luận thời bấy giờ ủng hộ ngành này được quyền bán rượu vang sớm hơn, tức là trước ngày 15 tháng 12. Vào thời đó, chữ Beaujolais Nouveau vẫn chưa xuất hiện và thuật ngữ chuyên ngành "en primeur" dùng để chỉ thực phẩm tươi, mặt hàng mới. Sau nhiều tháng vận động, yêu cầu của liên đoàn vùng Beaujolais UVB rốt cuộc đã được chính phủ Pháp chấp nhận vào ngày 13/11/1951, nêu rõ các điều kiện cho phép một số loại rượu vang (có chỉ định xuất xứ) được phân phối hằng năm sớm hơn trên thị trường chứ không cần chờ đến dịp phát hành chung của toàn ngành sản xuất rượu vang vào ngày 15/12. Truyền thống ''vang tươi'' vùng Beaujolais (người Bồ Đào Nha còn gọi là vinho verde ''vang non'') bắt đầu từ đó. Tên gọi ''Beaujolais Nouveau'' dần được phổ biến tại Pháp kể từ đầu những năm 1960.
Thương hiệu ''Beaujolais Nouveau'' trở nên chính thức nhờ khẩu hiệu quảng cáo "Le Beaujolais Nouveau est arrivé" (tạm dịch Mùa Beaujolais Nouveau đã đến). Đây thực ra là tựa đề quyển tiểu thuyết của nhà văn René Fallet, xuất bản vào năm 1975. Quyển sách này sau đó được chuyển thể lên màn ảnh lớn với cặp bài trùng Michel Galabru và Jean Carmet trong vai chính. Vào nghề cầm bút nhờ sự dìu dắt của nhà văn Thụy Sĩ Blaise Cendrars, René Fallet (1927-1983) từng đoạt giải thưởng văn học Pháp Interallié năm 1964 với quyển tiểu thuyết ''Paris au mois d'août'' (Paris vào tháng Tám). Sinh thời, ông có khoảng 10 quyển tiểu thuyết được dựng thành phim trong giai đoạn những năm 1957-1983.
Do là ''vang tươi'' cho nên Beaujolais Nouveau rất dễ uống, nhẹ, thơm nhờ hương vị trái cây, cấu trúc đơn giản, cho nên mùi không ''chắc'' (đậm) và vị không chát do không có nhiều chất tannin (chất poplyphenol) tự nhiên giúp cho rượu vang giữ được lâu. Về mặt sản lượng, Beaujolais Nouveau có giá "mềm" nhờ được sản xuất với số lượng lớn.
Đối với thành phần thực khách thích dùng Beaujolais Nouveau, loại rượu vang đỏ này khi được "ướp" lạnh lại càng dễ uống hơn cả vang hồng hay vang trắng. Nhờ có hương vị nhẹ nhàng, loại vang đo đỏ này dễ kết hợp với nhiều loại thực phẩm trên thực đơn. Giới chuyên ngành gọi đó là tính ''uyển chuyển'' mềm mại, Beaujolais Nouveau có thể dùng kèm với khá nhiều món mặn như phô mai, thịt nguội, xà lách trộn, cá hồi xông khói, các loại mì sợi hay mì ống, các món thịt đỏ hay thịt trắng bất kể hầm hay nướng…
Mềm mại, linh hoạt, nhưng chưa hảo hạng
Nhờ vào tính linh hoạt ấy, Beaujolais Nouveau là loại rượu vang Pháp dễ xuất khẩu sang nước ngoài. Theo báo Les Échos, trong năm qua, hơn 10 triệu chai rượu Beaujolais Nouveau đã được bán trên thế giới, chỉ trong hai tuần lễ cuối tháng 11. Nhật Bản là quốc gia tiêu thụ Beaujolais Nouveau nhiều nhất với hơn 6 triệu rưỡi chai mỗi năm, tương đương với 55% mức xuất khẩu. Các thị trường khác quan trọng không kém là Bắc Mỹ (Hoa Kỳ & Canada), Vương Quốc Anh và nước Đức dao động ở mức từ 700.000 chai đến 2 triệu chai tiêu thụ mỗi năm.
Nhờ thành công về mặt xuất khẩu, ngày nay Beaujolais Nouveau của Pháp đã du nhập vào văn hóa đời sống của người dân xứ hoa anh đào. Dân Nhật Bản là những người đầu tiên trên thế giới khui chai rượu vang, mỗi lần mùa Beaujolais Nouveau lại về. Do chênh lệch múi giờ, Nhật Bản đi trước Pháp 6 tiếng, cho nên ngay sau nửa đêm, từ thứ Tư sang thứ Năm, người Nhật vẫn có những sinh hoạt lễ hội tiệc tùng khác lạ nhân ngày Beaujolais Nouveau, kể cả hình thức trải nghiệm ''tắm với rượu vang'' mà không nơi nào có.
Dân thích uống rượu vang hẳn chắc từng nghe nhắc đến loại vang ''Nouveau'' của vùng Beaujolais. Điều cần lưu ý theo tạp chí chuyên ngành La R***e de Vin de France (RVF), Beaujolais Nouveau nên uống ngay, thường là trong vài tháng đầu sau khi được đóng chai. Do không có nhiều chất tannin, cho nên Beaujolais Nouveau không phải là loại vang có thể được giữ lâu (vin de garde). Thời gian tối đa để trữ rượu Beaujolais Nouveau, theo tạp chí RVF, chỉ là 6 tháng. Sau thời hạn này, nên dùng vang đỏ để nấu nướng hay ướp thịt, làm các món như ragu thịt bò với cà rốt hay gà trống hầm rượu vang.
Trong mắt giới sành điệu, Beaujolais Nouveau không thể nào được xếp vào loại ''hảo hạng'', do theo quan niệm của người Pháp rượu ngon theo thời gian thường có thêm nhiều hương vị tinh tế phức hợp, khó thể diễn tả được hết bằng ngôn từ. Càng có nhiều tuổi đời, rượu vang càng đậm đà. Hương vị trong chai thường được so sánh như bài thơ kiệt tác : thi vị tuyệt hảo, thơm ngát giọt đào.
Theo rfi.fr