30/11/2023
Nghiệp
“Mỗi chúng sinh đều có những hành vi riêng, những hành vi ấy là món quà gia bảo, làm vật di truyền, làm người bạn chí thân, làm chỗ nương tựa của họ. Chính những hành vi ấy là cái nghiệp đã làm cho chúng sinh khác nhau trong cảnh trạng dị đồng ấy.
KinhA tthasaissi lại dạy rõ hơn:
“ Do sự khác nhau trong nghiệp mà có những sự khác nhau trong chúng sinh, kẻ sanh ra trong gia đình quyền quý, người sanh ra trong gia đình đê tiện; kẻ sanh ra trong sự nguyền rủa, người sanh ra trong sự tôn trọng; kẻ sanh ra được hưởng hạnh phúc, người sanh ra phải chịu khổ sở.”
Như vậy mọi việc xảy ra cho mọi người là do nghiệp. Nhưng nghiệp là cái gì mà quan trọng đến thế?
Nghiệp là hành động, việc làm của thân khẩu ý. Khi chúng ta nghĩ một điều gì, nói một câu gì, làm một việc gì, lành hay dữ, xấu hay tốt, nhỏ nhặt hay to lớn mà có ý thức đều gọi là nghiệp. Những việc làm vô y thức không phải là nghiệp. Đức Phật dạy: “ Này các Tỳ - kheo, Như Lại nói rằng tác ý là nghiệp. Tác ý bắt nguồn từ sâu xa trong vô minh và ái dục. Còn vô minh, còn ái dục, còn ham muốn, thì mọi hành động , lời nói, tư tưởng đều là nghiệp. ( Trích “ Xây dựng cuộc sống trên nền nhân quả, nghiệp, luân hồi” HT Thích Thiện Hoa)
Vậy mỗi sát na ta đang sống đều là đang tạo nghiệp. Kinh Pháp cú Đức Phật dạy “ Ý dẫn đầu các Pháp”. Một niệm khởi lên là có nghiệp thiện hay ác sanh ra. Vậy nên việc tu tâm dưỡng tánh là bước đầu qua trọng nhất. Làm sao để tu được tâm ? Theo cách nói của thế gian trong mỗi chúng ta có hai phần, phần con và phần người. Phần con là cái tâm bất thiện tham, sân si, mạn, nghi, hối, sợ hãi, lười nhác, dựa dẫm… nó là cái ngã chấp là tập khí sâu dày sinh ra. Nó không phải là chân tâm nhưng lại sai khiến tạo tác ra mọi tội lỗi khổ đau cho ta. Phần người là phần cao quý là chân tâm. Là cái tâm trong sáng cao khiết tự do tự tại không dính mắc bởi yêu ghét tham cầu… Là cái tánh biết thấy biết rõ ràng không có vô minh. Là không khổ đau là cứu kính của giải thoát.
Hiểu như vậy nhưng hành đâu phải dễ. Đối diện với cảnh bất như ý ngay lập tức niệm ác đã dấy khởi nên. Tốc độ của niệm sanh ra nhanh hơn cả tốc độ ánh sáng và ngay lập tức các tâm hành xấu dấy khởi choán hết tâm trí và dẫn dắt kéo theo hàng loại hành vi vô minh tham sân si…Nghĩ lại hối tiếc nhưng quả xấu có khi đã trổ ra ngay rồi. Thiền sư An ChanCha dạy việc từ bỏ hành vi ác quan trọng hơn làm việc thiện.
Trong cuốn “Liễu phàm tứ huấn”, có dạy cách thay đổi thói quen xấu, thứ nhất phải thấy xấu hổ, thứ hai phải biết kinh sợ, thứ ba phải dõng mãnh. Không dõng mãnh sao hành được đạo. Tâm phàm phu là biếng nhác sợ khổ sợ khó tâm bậc thánh nhân là kiên định không sợ gian khó không thoái chí nản lòng không bỏ cuộc. Phàm phu và thánh nhân chỉ cách nhau một niệm.
Kết thúc truyện Kiều sau khi chứng kiến bao thăng trầm thành bại của cõi đời, cụ Nguyễn Du viết:
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Ngẫm ra, ta còn quá nhiều vô minh. Sống phần nhiều cuộc đời trong ái dục thế gian. Cin cho con đủ dõng mãnh đi trên con đường chánh đẳng chánh giác như đức Phật chỉ dạy.
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Hương Trà, Hà Nội 11/2023