03/03/2023
Nằm dưới chân núi Minh Đạm thuộc thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, làng chài Phước Hải được xem là một trong những làng biển lâu đời nhất ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo những ngư phủ cao tuổi gắn bó gần thế kỷ với vùng đất này, làng chài Phước Hải có từ khoảng 300 năm trước. Lịch sử hình thành Phước Hải được truyền đời qua câu chuyện lập làng của một người tên Trần Văn Mầu. Nhân dân Phước Hải tôn ông là tiền hiền, xây dựng lăng miếu thờ, hương khói quanh năm. Trải qua thời gian và những thăng trầm của lịch sử, làng chài Phước Hải từng bước đổi thay, đời sống ngư dân ngày càng phát triển và trở thành một thị trấn sầm uất ven biển.
Cư dân làng chài chủ yếu sống nhờ vào nghề chài lưới, biển đã cho họ cuộc sống để chăm lo gia đình, con cái học hành. Ở làng chài này, không hiếm những gia đình có đến 4-5 đời làm nghề biển. Theo thống kê của huyện, hiện thị trấn Phước Hải có gần chục ngàn người sống bằng nghề đi biển, với 514 ghe thuyền đánh bắt xa bờ, 131 thúng máy, đò nan đánh bắt gần bờ. Đó là chưa kể một bộ phận khá đông người dân tuy không đi biển, nhưng cũng đang sống bằng các nghề và dịch vụ liên quan đến biển. Biển Phước Hải không chỉ nhiều tôm, cá mà là một trong những bãi biển đẹp của Vũng Tàu. Bãi biển Phước Hải nằm dưới chân núi Minh Đạm, không chỉ sở hữu một vùng biển mênh mông trong xanh, bãi cát vàng phẳng mịn và những hàng dương xanh rì, mà còn có những bãi đá rất đẹp và độc đáo. Bãi biển Phước Hải còn mang nét nguyên sơ vốn có của tự nhiên, là một trong những món quà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây. Đồng thời, biển Phước Hải còn là nơi chứng giám tiến trình lịch sử qua bao đời của một làng chài bình dị, đậm chất phương Nam. Về với Phước Hải vào mỗi buổi sáng, du khách sẽ được gặp những hình ảnh sinh hoạt, lao động của cư dân miền biển cùng cảnh người mua, kẻ bán nhộn nhịp một góc bãi biển.
Người dân gắn bó với biển và biển đã mang lại cuộc sống ấm no cho con người, vì vậy cư dân thị trấn Phước Hải luôn biết ơn thần biển. Vào ngày 16, 17 tháng 2 âm lịch hằng năm, ngư dân thị trấn Phước Hải lại long trọng tổ chức lễ hội Nghinh Ông Nam Hải để cầu mong “đấng tối cao” ban nhiều may mắn, che chở và phù hộ cho họ trong quá trình ra khơi đánh bắt trên biển. Ngư dân Phước Hải từ lâu đã xem thời điểm lễ hội Nghinh Ông cũng là ngày mở cửa biển ra khơi, bắt đầu mùa làm ăn mới. Tại làng chài Phước Hải, ngư dân dành hẳn một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông để chôn cất cá voi với những nghi lễ trang trọng. Nghĩa địa Ông Nam Hải do ngư dân làng chài Phước Hải xây dựng từ năm 1999, trên một trảng cát sát biển, rộng 6.500m2 thuộc khu phố Lộc Lan, cách đền thờ cá Ông của làng khoảng 2km. Mặc dù tục táng cá Ông diễn ra ở nhiều làng chài Việt Nam, nhưng đây có thể xem là nghĩa địa cá Ông độc đáo nhất. Theo các ngư dân Phước Hải, ở những vùng biển khác, người ta chỉ chôn cá Ông rải rác xung quanh đền thờ. Riêng làng chài Phước Hải lại chôn cất cá Ông rất cẩn thận và tập trung vào một chỗ. Nghĩa địa cá Ông của làng chài hiện đã có gần 100 ngôi mộ.
Từ một làng chài bé nhỏ, giờ đây Phước Hải đã vươn mình trở thành thị trấn khá nhộn nhịp. Đến Phước Hải hôm nay, du khách được chứng kiến sự đổi thay với cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Từ hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế… cho đến cuộc sống của bà con ngư dân nơi đây đã mang màu sắc của sự trù phú và sầm uất. Đặc biệt, khoảng 10 năm trở lại đây, Phước Hải không chỉ được biết đến là một làng chài có nghĩa trang cá Ông lớn nhất nước, mà còn là địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách gần xa. Hiện Phước Hải thu hút hàng chục ngàn lượt du khách mỗi năm về tắm biển, nghỉ dưỡng dịp cuối tuần hoặc các kỳ nghỉ lễ, tết.
Hằng năm, nơi đây luôn có một nghi thức truyền thống để tưởng nhớ những cá ông, người dân nơi đây cầu mong cho một mùa ra khơi gặp nhiều thuận lợi. Nghi thức này thu hút hàng nghìn người tham gia.